Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Bí mật của "Nhìn thấy chính mình"

Review cuốn “Lư Tô Vỹ - Con không ngốc, con chỉ thông minh theo cách khác”
Tác giả: Lư Tô Vỹ

Hình như đây là thứ 3 hay thứ 4 gì đó mình đọc sách về phương pháp giáo dục trẻ của Trung Quốc. Riêng có cuốn này, đọc xong muốn viết dài dài chút bởi nó đọng và gợi cho mình khá nhiều suy nghĩ…

“Lư Tô Vỹ - Con không ngốc, con thỉ thông minh theo cách khác” là tự truyện của cậu bé Lư Tô Vỹ - bị sốt bại não khi còn nhỏ. Do gia đình không phát hiện sớm và thiếu cơ sở y tế nên 1 phần não bị hỏng, khiến một số khả năng bị mất đi, kỹ năng không còn tồn tại. Thế nhưng nhờ có sự cố gắng của ba mẹ, của anh chị em trong gia đình, của thầy cô giáo… từ 1 học sinh chỉ có 70 điểm IQ đã trở thành một người rất thành đạt trong cuộc sống cả tinh thần và vật chất.

Với 1 người bị thiểu năng trí tuệ thì việc thi đỗ đại học là 1 điều kì diệu lớn lao. Chắc chắn có phép màu ở đây. Phép màu chỉ đến khi đã dành trọn tâm trí cho một việc gì đó và đã cố gắng đến kiệt sức vì nó. Giờ mình mới nói đến mục tiêu ở đây là học đại học. Đợt thi đại học vừa rồi (năm nay là kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia) các em thi cứ thi, cha mẹ lo lắng cứ lo lắng, dân chủ quá trớn thì năm nào cũng gào lên cái bài học đại học làm khỉ gì cho phí hoài công sức – thời gian – tiền bạc của cha mẹ… Trong các câu chuyện của mình với khách hàng (chủ yếu là giám đốc, CEO các doanh nghiệp, startup) luôn có 1 phần đề cập đến giới trẻ và sự học, chưa ai trong số họ phủ nhận những gì họ nhận được sau khi kết thúc quá trình học đại học ở Việt Nam và họ đều nhận định “Có học vẫn hơn”. Cái học để có kiến-thức-nền là điều cực kỳ cần thiết để sau này có cái văn-hóa-nền. Một người có văn hóa nền ứng xử rất hay, sống thành thật, khôn ngoan (chứ không phải khôn lỏi) và mọi hành động luôn chứa sự đồng cảm! Một người như vậy chắc chắn sẽ đạt được thành quả! Thử đi rồi tin!


Trước đây mình cũng từng vật vã đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi tìm mục đích sống. Tìm hoài không ra cho đến một ngày mình quyết định không tìm nữa. Giờ với mình, sống vì điều gì không quan trọng khi mình quyết định việc mình sẽ sống như 1 cái cây. Chỉ cần là 1 cái cây không cần nguồn gốc, có thể hoa không đẹp, quả không ngon, tán không to, thân không lớn… nhưng chắc chẵn sẽ có bóng mát. Được ngồi nghỉ dưới bóng mát thật tuyệt! Mình sống như thực vật vậy, nên mình rất ngưỡng mộ những bạn có nguyện vọng muốn đem sức mình cống hiến cho tương lai đất nước, muốn giúp đỡ mọi người… Lư Tô Vỹ tình cờ phát hiện được mục đích sống của ảnh khi ảnh đọc sách của Osho, rằng muốn hiểu  người trước tiên phải đi sâu vào bản thân mình, rằng mấy khóa học hướng dẫn trả tiền hay  những buổi hội thảo này nọ sẽ không đưa được bạn đến với con đường đúng đắn. Mình cũng thích đọc sách của Osho lắm! Mình sẵn sàng share ebook sách của Osho cho mọi người!

Khám phá bản thân là một quá trình vừa lâu vừa dài, có người tới đích có người không. Nhưng chắc chắn một điều là ai cũng đi trên con đường lấp lánh ánh hào quang. “Nhìn thấy chính mình” là keyword quan trọng nhất. Chúc bình an và may mắn!


Tải ebook PDF "Lư Tô Vỹ - Con không ngốc, con chỉ thông minh theo cách khác" tại đây

Tải ebook "Tình yêu - Tự do - Một mình" của Osho tại đây

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Osho trong Tình yêu - Tự do - Một mình


Review "Tình yêu - Tự do - Một mình"/(Love, free, alone)
Tác giả: Osho

Mất khá lâu để mình đọc xong cuốn sách này. Một phần không phủ nhận đó là không có thời gian. Một phần là đọc vừa "ngấm" nên cũng lâu.

Khi đọc cuốn này sẽ bắt gặp nhiều quan điểm sống "lạ" với cuộc sống hiện tại. "Lạ" nhưng thú vị mà khó để thực trong cuộc sống này.

Ví du như về tình yêu. Osho cho rằng chỉ hai người thiền mới yêu được nhau. Với ông thiền là ở một mình, đi sau vào tự do của một mình mình và cảm thấy an lạc từ nó. Khi bản thân mình cảm thấy an lạc thì yêu mới đem được sự an lạc cho người khác.

Khi mình cảm thấy an lạc từ sự tự do mình thì mình cũng sẽ để cho người mình yêu cảm nhận sự an lạc từ sự một mình. Nếu một lúc nào đó người tình muốn ở một mình thì đó không phải là sự rũ bỏ mà là họ muốn quay về bản thân họ để sau đó tiếp tục tràn trề tình yêu thương với mình.

Khi trong yêu có thiền thì tình yêu là hoàn toàn tuyệt đối tin tưởng. Nghĩa là sẽ cảm nhận được sự an lạc từ nụ cười của người tình với người khác. Nụ cười là tốt còn với ai thì không quan trọng. Ở trong niềm vui là tốt, còn vui với ai là điều không quan trọng. Điều này trái ngược với quan điểm yêu hiện đại.

Với Osho thì yêu cũng như thở. Thở là để duy trì sự sống của thể xác thì yêu là duy trì sự sống của tinh thần. Không thể ngừng thở cũng như không thể ngừng yêu. Thế nên không thể nói với người tình rằng “Không được cười với ai khác”. Vì câu này cũng tương tự như câu “Chỉ được thở ở bên tôi”. 

Với sự “bé nhỏ” của bản thân thì mình không biết là quan điểm này đúng hay sai, chỉ thấy nó thú vị và đã dùng sự trải nghiệm của bản thân để thấy nó càng thú vị hơn!

Tải ebook PDF tại đây

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Cái kết của 50 Sắc Thái

50 sắc thái (50 Shades of Grey)
Đạo diễn: Sam Taylor-Johnson

Đoạn làm mình ấn tượng với "50 sắc thái" chính là đoạn Grey bảo quan tâm mẹ gì đến bản hợp đồng ấy nữa. Ừ, thế mà cuối cùng lại không đến được với nhau (thân xác hay tinh thần thì tùy mỗi người hiểu).

Phim có nhiều cảnh make love đẹp, mình nghĩ có love đó chứ, chỉ có điều là thời điểm họ nhận ra họ yêu nhau không trùng khít nên cứ như trò đuổi bắt. Lúc Steele bảo Grey thấy bản hợp đồng với vẩn thì Grey lại rất coi trọng nó. Lúc Grey nói vứt cái bản hợp đồng đi thì Steele vứt luôn cả Grey. Cũng như người ta bỏ việc vì sếp chán, về đồng nghiệp chán, bản thân công việc chả chán. Người ta bỏ nhau vì đối phương có điều không chấp nhận nổi, vì hoàn cảnh thế này thế kia, chứ tình yêu chả làm gì nên tội. Steele bỏ Grey cũng vì thế. 

Có phải thần thánh đâu mà chia tay lại không thấy đau đớn nhỉ? Hết phim, mình cứ lẩn quẩn ý nghĩ nếu chuyện này mà diễn ra trong đời thực thì liệu sau này 2 người có cảm thấy bỏ hết mấy chuyện lằng nhằng kia mà về với nhau không. Chắc có, mà mình mong là có! Mà không thì cũng chẳng sao :p

Đôi khi để vứt bỏ định kiến là điều chẳng dễ dàng. Đôi khi gặp được nhau là một chuyện mà có đi được với nhau được phần đời nào đấy không là hai chuyện khác nhau. Đôi khi chuyện nặng lòng với ai đó là điều bình thường. Đôi khi tốt nhất là im lặng.


Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Nói về cái chết (1)

Mình đã đọc gần nửa cuốn "Chết an bình, tái sinh hỷ lạc" của Tulku Thondup. 



Trước đây trong một lần nói chuyện với cô Dung – cô chủ của Trung tâm Dưỡng sinh Côn Sơn, mình mới biết được sự khác nhau giữa nội dung các khóa tu giữa những khóa tu mở tại trung tâm của cô với những khóa tu được mở tại Chùa Sủi (Gia Lâm). Những khóa tu ở Côn Sơn cô đơn giản coi nó như một khóa học kỹ năng sống, dành cho giới trẻ và là bước khởi đầu để các bạn ấy đến với con đường Phật pháp. Còn những khóa tu tại Chùa Sủi lại tập trung đến an lạc khi chết, và cô nói giới trẻ hình như chưa quan tâm đến điều đó lắm. Thực sự, lúc đó mình chỉ biết vậy thôi. Mình có 1 lần tham gia khóa tu bên Chùa Sủi, nhưng tiếc vì sự mệt mỏi và công việc đã không gia trọng khóa tu đó, dù nó chỉ có 1 ngày. 



Mình có đọc ở đâu đó rằng với những vị sư thầy sư cô đi tu từ khi còn nhỏ đã được học về sự chuyển hóa sau khi chết từ rất sớm, và người viết lại câu chuyện đó ban đầu cảm thấy rất sợ hãi về việc quán tưởng thấy thân xác mình đang tan ra, thối rữa….; tâm mình không còn cái thân vật lý để bám luyến cứ từ nơi qua nơi khác….đã rất sợ hãi. Những sau này, khi người đó bắt đầu thực hiện những tụng kinh cầu nguyện hướng dẫn cho người chết và gia đình họ những nghi thức, những câu niệm để người chết đến được cõi tịnh lạc. Và vị đó nhận thấy rằng, vì được học điều này từ rất sớm nên ông hoàn toàn tự tin và làm việc đó hết sức cẩn trọng và thành tâm.
Khi đọc “Chết an bình, tái sinh hỷ lạc” hầu như là những câu chuyện mình nghe về chuyện người chết rồi lại sống dậy, những clip nói chuyện của Phan Thị Minh Hằng, những điều mình tự thân trải nghiệm và cả những điều mình thu lượm được ở đâu đó dồn về cùng một lúc. Mình cảm thấy cái chết cũng không có gì đáng sợ. Cái chết là phương tiện để đi đến một nơi khác mà thôi. Cuộc sống hiện tại giống như khi chúng ta còn đi học, tức là học bài cũ ở nhà, làm bài tập về nhà đầy đủ, học thực cho mình thì khi chết đi, trường học của chúng ta sẽ làm thân trung ấm, sẽ kiểm tra những việc chúng ta đã làm và có làm tốt hay không.



Nói vậy chứ bây giờ mình chưa muốn chết. Nếu chết mình sẽ hối tiếc nhiều lắm. Dẫu bình thường vẫn nói rằng, giờ chết thì không hối hận gì cả, những gì làm được thì đã gắng làm rồi, những gì chưa được thì chắc chưa đủ “lực” để làm. Dù sao thì còn thời gian thì vẫn cố gắng làm những điều chưa thực hiện.

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Nghe theo trái tim mà chọn nghề vì đường đời lúc nào cũng có may mắn

Rất tình cờ khi sáng đi học bên trường cán bộ mới biết là hôm nay là ngày đầu tiên thi đại học. Cũng bồi hồi lắm vì 6 năm trước mình cũng đi thi, chỉ có điều là mình thi đợt 2, khối D mà ^^

Thành thật mà nói hồi cấp 3, dù đã được phụ huynh và thầy cô định hướng các kiểu thì mình vẫn không thấy thích hợp với công việc nào cả. Khi đó mình chỉ mường tượng cái mình muốn chứ không thể gọi tên, giờ đang làm mà vẫn chưa thể gọi tên, nhưng thôi cứ nhận là Marketing Digital đi. Câu hỏi khó trả lời nhất đến giờ của mình vẫn là “Em/chị/cháu làm nghề gì?”.  

Hồi đó phụ huynh định hướng thi và học sư phạm. Còn bản thân thì thấy cái gần gũi nhất với cái mường tượng trong đầu là báo chí. Và để dung hòa giữa ý kiến của phụ huynh và sự bay bổng của bản thân, mình quyết định thi Quản lý giáo dục của Học viện quản lý giáo dục. May thế nào, trượt nguyện vọng 1. Đến giờ phút này mình không thể tưởng tượng nổi nếu mình đỗ sư phạm hay đỗ quản lý giáo dục thì bộ dạng mình sẽ như thế nào.

Để không bị các đấng phụ huynh ép buộc học y hay dược gì đó cho gần nhà thì mình quyết định nộp nguyện vọng 2 vào khoa Văn hóa học của Trường VH Hà Nội. Thực là phải đến giờ vẫn phải cám ơn chuyện trượt nguyện vọng 1 năm đó rồi học và “bắt” được cái duyên với Văn hóa học, công việc cũng như các mối quan hệ sau này. Học Văn hóa học rồi làm báo chí, truyền hình, sự kiện, truyền thông, quản lý khu du lịch sinh thái, maketing, copywriter… là 1 con đường khá dài để đến với cái duyên nợ thực sự. Phải rất nhiều thời gian để nhận ra mối duyên nghiệp này, không tránh được thì thôi bắt tay nhau rồi nhảy cho vui thì vui, buồn thì buồn.


Năm sau, em gái thứ 2 thi đại học. Nó thích y. Cả gia đình đồng ý và ủng hộ!

Ở Việt Nam, giáo dục Việt Nam có 1 cách định hướng nghề nghiệp rất buồn cười đó là cứ học đi rồi trước thời hạn thi đại học thì ngồi lại xem môn nào học được thì sẽ xem môn đó thuộc khối nào có ngành nghề nào nằm ở trường nào, cuối cùng chọn 1 trường phù hợp với lực học. Thầy mình bảo giáo dục Việt Nam không phải lạc hậu, mà là lạc đường. Bắt con nhà người ta đi đường vòng, bỏ phí quãng thời gian tuổi trẻ vật lộn giữa ý nguyện gia đình với ham muốn bản thân. Tại sao không để bọn trẻ hình dung chúng muốn làm nghề gì rồi định hướng cho chúng nó thi trường nào đào tạo nghề đó phù hợp với khả năng của chúng nó nhỉ?

Tại sao thì mình chịu, câu hỏi vĩ mô quá. Còn ở mức vi mô thì chỉ muốn nói là duyên nghiệp với 1 nghề nào đó không phải nó tự đến đâu. Vậy nên hãy cảm nhận “nó” và làm theo cảm nhận của mình. Chính nó mới là động lực và người dẫn đường để phấn đấu. Phấn đấu vì sự ngang bướng của bản thân hay muốn chứng tỏ cho người khác thấy là mình làm được thì cũng là động lực. Sau này thành công rạng danh thì tô vẽ cho động lực là gì mà chả được. Nhỉ?

Đỗ đại học hay trượt đại học cũng được, cái gì cũng có 2 mặt, ở thời điểm đấy thấy nó to tát chứ sau mấy năm nhìn lại thì thấy “Thường thôi!”. Chỉ có điều khi đỗ nên nhớ rằng bạn may mắn vì bạn có chăm chỉ, còn trượt thì hãy tự nhận là mình kém cỏi chứ đừng đổ cho học tài thi phận, hèn lắm!


Câu cuối đây: Cứ chăm chỉ đi vận may sẽ đến, người ta sẽ nể phục thành công của người thông minh!

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Cảm hứng lấy chồng

Từ hồi đặt chân vào cơ quan này, mình nhận ra một điều cảm hứng lấy chồng của mình bị tác động tương đối nhiều. Chính xác là mình đã phải thốt lên “Từ hồi về đây, em hết hứng lấy chồng rồi!”.

Hồi ở TYM, mình thích lấy chồng vì môi trường đấy chuyện chồng con khá đơn giản làm việc lấy chồng rất vui hoặc các chị ở đó có cách để chuyện lấy chồng vui mà đối xử với bố mẹ chồng cũng nhẹ nhàng. Mặc dù thời gian mình ở TYM không lâu nhưng ở đây mình học được cụm từ “vị thế người phụ nữ trong xã hội mới”.


Sau thời gian tự soi bản thân (tự trào) thì mình nhận thấy có mấy yếu tố liên quan đến công việc tác động tới việc chọn chồng:      

1. Môi trường làm việc: TYM là 1 tổ chức nhà nước có thu chi nên mặc dù nó là tổ chức nhà nước nên nó năng động. Mình làm ngoài (tư nhân) thì đầu óc hoạt động 100-150% công suất là chuyện bình thường, về TYM thì đầu óc chạy ở mức độ 70-90%, về cơ quan hiện tại 20-30%. Sự năng động của môi trường khiến bạn gặp và tiếp xúc nhiều người hơn khiến bạn có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Mặc dù hơi phiến diện chút nhưng nếu bạn tầm thường thì khả năng bạn lấy được 1 người chồng tầm thường là 90%. 10% còn lại rơi vào cái hố bất thường! Thi thoảng có đứa nào đó thất tình hay thấy cuộc đời u ám mình kêu join vào môi trường khác xem nào!

2. Trình độ học vấn: lại nói TYM là 1 tổ chức có thu chi nên mặc dù là tổ chức nhà nước nên nó năng động. Hầu hết nhân viên ở đó đều có bằng cử nhân đại học. Mình không muốn nhấn mạnh vào vấn đề bằng cấp hay đại học là con đường duy nhất nhưng bằng cấp sẽ quyết định 1 phần nào đó cuộc đời bạn. Tin hay không thì tùy. Một người đầu óc của bằng đại học chắc chắn sẽ hơn đầu óc của 1 người bằng trung cấp hay cao đẳng. Mình nhắc lại lần nữa, bằng cấp không quan trọng nhưng cái quyết tâm học hành chăm chỉ để có được cuộc sống tốt hơn – cử nhân thì nó khác cái cố gắng để đạt cái ở tầm trung - đỗ cao đẳng hay trung cấp. Bỏ qua chuyện học tài thi phận đi. Bạn thất bại là do bạn không cố gắng hoặc không cố gắng hết mình. Đó là lỗi của bạn chứ không phải lỗi do “số mệnh”. Cũng đừng bao giờ cố gắng giành cái sự “may mắn” nằm trong nhóm “học tài thi phận”. Hèn lắm!

3. Khả năng ngoại ngữ: nói thêm lần nữa TYM là 1 tổ chức có thu chi nên mặc dù là tổ chức nhà nước nên nó năng động. Trong văn phòng trụ sở chính (Hà Nội) luôn có các chuyên gia nước ngoài đến trao đổi kinh nghiệm, thăm mô hình, hỗ trợ chính sách… Tiếng anh được sử dụng ngang tiếng việt. Thành thạo nghe nói tiếng anh là 1 trong những yêu cầu quan trọng khi xét tuyển vào TYM. Biết và sử dụng được 1 ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ sẽ giúp bạn mở rộng tư duy khiến đường chân trời cao và xa hơn. Không tin thì thử mà xem. (Nhân đây phải cám ơn TYM lắm lắm vì thời gian ở đây trình độ tiếng anh của mình đã cải thiện rất nhiều.)

4. Các lớp đào tạo tập huấn: 80% các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ đều do chuyên gia nước ngoài đứng lớp, học bằng tiếng anh (mặc dù có phiên dịch nhưng chỉ dùng trong trường hợp đoạn đấy khó nghe hoặc khó hiểu mà thôi). Học là học thật và học cho mình. Chứ không phải học để giải ngân. Cái cảm giác biết là học nó sẽ giúp cho cuộc sống của mình nó thiết thực hơn là học mấy thứ lăng nhăng mà năm nào cũng học, dạy chớp nhoáng mà học chớp nhoáng.




5. Thời gian nghỉ trưa: Thời gian mình ở TYM, thời gian nghỉ trưa sau khi đi ăn thì có thể là café nói chuyện với nhau hoặc ngủ hoặc đọc sách, đọc báo. Thấy ai bảo thời gian rảnh rỗi bạn làm gì, nó sẽ quyết định mức sống của bạn đấy. Tin hay không thì tùy!

6. Không khí làm việc: TYM chấm công bằng vân tay, ai đến thì lẳng lặng vào chỗ mình ngồi để làm việc, đến muộn thì càng trật tự hơn. Không có chuyện đến cơ quan mặt nặng mày nhẹ rồi kể chuyện mẹ chồng nay làm sao, chị chồng tối qua nói câu gì, chồng tiêu tiền vào cái vô bổ gì. Không khí làm việc làm việc khẩn trương, quy củ, lịch sự khiến TYM rất chuyên nghiệp. Thái độ nghiêm túc với công việc và môi trường làm việc sẽ gợi mở cách bạn ứng xử với những vấn đề khác trong cuộc sống. Cứ quan sát mà xem, thú vị phết!

Mình vốn không thích so sánh cái này với cái kia, người này với người kia, cơ quan này với công ty kia… Nhưng đôi khi, bắt buộc mình phải làm việc này bởi mình muốn biết mình đang đứng ở đâu trong môi trường như thế nào để biết cái gì đã/đang/sẽ tác động đến mình. Thật may là “cái con con” của mình đã cứu rỗi tinh thần mình từ ngày bước chân vào đó. Cám ơn “cái con con” và những người trong thế giới riêng của một copywriter đã đem đến cho mình những điều hay ho và vui vẻ khác trong cuộc sống!

Các cô gái, rảnh thì tự soi mình xem. Chúc vui :D